Tổ chức Y tế thế giới vừa đưa ra 10 khuyến cáo về sử dụng công nghệ y tế kỹ thuật số (như: như điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính để bàn) làm công cụ nhằm cải thiện các dịch vụ thiết yếu và sức khoẻ người dân.
Đây là lần đầu tiên WHO ra khuyến cáo sử dụng công nghệ kỹ thuật số trong cung ứng các dịch vụ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh của các nước đang phát triển sau hơn 2 năm thu thập các chứng cứ khoa học chứng minh hiệu quả của chúng. Điều quan trọng là WHO khuyến cáo việc triển khai ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số trong y tế cần quan tâm đến đối tượng thụ hưởng là người dân thuộc nhóm yếu thế, nhờ đó giúp cản thiện tình trạng sức khoẻ của họ.
WHO nhấn mạnh việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số là rất cần thiết để đạt được độ bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân, các công nghệ kỹ thuật số không phải là đích đến, mà là những công cụ quan trọng để tăng cường sức khỏe, giữ an toàn cho thế giới và phục vụ những người dễ bị tổn thương.
Sau gần 2 năm xem xét và đánh giá một cách có hệ thống các bằng chứng khoa học về ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong công tác chăm sóc sức khoẻ, và tham khảo ý kiến các chuyên gia y tế từ khắp nơi trên thế giới, WHO đã đưa ra khuyến cáo những cách thức sử dụng công cụ kỹ thuật số có thể tác động tối đa đến hệ thống y tế và sức khỏe của mọi người.
WHO đã đưa ra nhiều ví dụ minh hoạ hiệu quả thiết thực khi ứng dụng các can thiệp kỹ thuật số vào hoạt động chăm sóc sức khoẻ người dân như: cơ sở y tế gửi lời nhắc đến phụ nữ mang thai đã đến cuộc hẹn chăm sóc tiền sản để tiêm phòng; ứng dụng công nghệ thông tin làm công cụ hỗ trợ ra quyết định trong việc hướng dẫn nhân viên y tế khi chăm sóc bệnh nhân; sử dụng công cụ kỹ thuật số giúp nhân viên y tế và người bệnh giao tiếp thuận lợi hơn và tư vấn về các vấn đề sức khỏe từ các địa điểm khác nhau.
Công nghệ kỹ thuật số có thể lấp các khoảng trống trong cung ứng dịch vụ y tế cho người dân.
Bên cạnh đó, WHO cũng nêu rõ những thách thức đối với việc sử dụng công nghệ số trong một số can thiệp, đó là nếu các công nghệ kỹ thuật số được tích hợp vào các hệ thống y tế, chúng phải có khả năng chứng minh những cải tiến dài hạn so với các cách cung cấp dịch vụ y tế truyền thống.
Ví dụ, ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện quản lý kho vật tư, thuốc cho phép nhân viên y tế giao tiếp hiệu quả hơn về tình trạng của hàng hóa, tuy nhiên, chỉ thông báo tình trạng tồn kho không là chưa đủ để cải tiến hoạt động quản lý hàng hóa nếu hệ thống y tế chưa thiết lập các hành động kịp thời để bổ sung các mặt hàng cần thiết khi đã sắp hết trong kho.
Nhân viên y tế cần nắm bắt công nghệ
Ngoài ra, WHO khuyến cáo triển khai ứng dụng các can thiệp kỹ thuật số cần phải tuỳ thuộc vào hoàn cảnh thực tế và đảm bảo thiết kế ứng dụng cho phù hợp, bao gồm cả các vấn đề về cấu trúc trong các cài đặt cho nơi được sử dụng, cơ sở hạ tầng sẵn có, nhu cầu sức khỏe cần được giải quyết và sự dễ sử dụng của chính công nghệ.
Cần tăng khả năng hiển thị thông tin trên thiết bị kỹ thuật số so với lượng dữ liệu sẵn có, cần đảm bảo cho người sử dụng yên tâm rằng dữ liệu của họ là an toàn và họ sẽ không gặp rủi ro vì thông tin về các chủ đề sức khỏe là nhạy cảm, nhất là các thông tin về sức khỏe sinh sản và tình dục.
Một vấn đề không kém quan trọng được các chuyên gia của WHO lưu ý đến, đó là nhân viên y tế cần được đào tạo đầy đủ để có thêm động lực khi chuyển sang một cách làm việc mới và sử dụng công nghệ một cách dễ dàng.
WHO nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp các môi trường hỗ trợ cho đào tạo, xử lý hạ tầng công nghệ thông tin không ổn định, cũng như các chính sách để bảo vệ quyền riêng tư của cá nhân, quản trị và phối hợp giữa các bộ phận để đảm bảo các ứng dụng công nghệ thông tin không bị phân mảnh trong cơ sở và hệ thống y tế.
WHO khuyến khích đẩy mạnh Telemedicine
Một ứng dụng thiết thực được WHO khuyến khích các nước đang phát triển đẩy mạnh triển khai đó là “telemedicine” - hội chẩn trực tuyến từ xa, hiện nay đã có nhiều ứng dụng công nghệ số khác nhau cho phép những người sống ở các địa điểm xa cơ sở y tế nhưng vẫn có được các dịch vụ y tế bằng cách sử dụng điện thoại di động, cổng web hoặc các công cụ kỹ thuật số khác.
Đây là một công cụ bổ sung có giá trị cho các tương tác trực diện giữa nhân viên y tế và người bệnh mặc dù không thể thay thế hoàn toàn. Điều quan trọng là các cuộc tư vấn sức khoẻ từ xa cần được thực hiện bởi các nhân viên y tế có trình độ và đảm bảo sự riêng tư của thông tin sức khỏe cá nhân.
Trong những năm qua, nhiều bệnh viện ở Việt Nam đã áp dụng thực hiện hội chẩn từ xa giúp cứu sống nhiều ca bệnh khó mà không phải chuyển tuyến. |
(Nguồn: Theo L.Nguyên - suckhoedoisong)